Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Sau khi điều tra, cân nhắc các yếu tố tác động kinh tế - xã hội, Bộ đã ban hành quyết định áp thuế từ 2017. Hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh chủ yếu bắt đầu từ đầu năm 2021. Bộ thường xuyên theo dõi tình hình thị trường phân bón và có đánh giá nguyên nhân khiến giá phân bón tăng thời gian qua. Vấn đề này chủ yếu do các yếu tố như nguyên liệu sản xuất tăng, chi phí vận tải tăng. Cụ thể như nguyên liệu sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh tăng 2 lần, giá amoniac tăng khoảng 30%, giá vận chuyển tăng 5 lần… Những yếu tố này khiến giá phân bón tăng.
Bên cạnh đó, trong quá trình phối hợp với Bộ NN&PTNT để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy, phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước. Phân bón DAP, MAP nhập khẩu tăng 50%, sản xuất trong nước tăng 130%, trong khi đó nhu cầu cũng không phải quá lớn. Đồng thời, với DAP, MAP, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng của DAP MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (8-10 triệu/tấn so với 14-15 triệu/tấn). Đây cũng là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường hơn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp